DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Trẻ nhỏ chậm mọc răng có phải do thiếu canxi hay vitamin D

Share Ngày đăng: 18:13:20 - 10/08/2019 - Số lượt người xem: 1679

Không có câu trả lời chính xác nào về thời gian mọc răng ở trẻ nhỏ. Theo hiệp hội nha khoa của Anh và viện nhi khoa của Mỹ, thời gian mọc răng đầu tiên có thể từ 4 – 13 tháng tuổi, một số bé có thể kéo dài đến 15 tháng tuổi

Những điều quan trọng nên biết về mọc răng

Các bé Châu Á có thời gian mọc răng đầu tiên chậm hơn các bé châu Âu và châu Mỹ (kết luận từ nghiên cứu tại Anh của Gs.Bs. Ntani trên 3000 bé báo cáo tháng 8, 2015)

Thời gian mọc răng chậm bị ảnh hưởng lớn từ dinh dưỡng trong bào thai của mẹ. Đặc biệt ở các mẹ dinh dưỡng kém, ít chất đạm (trứng, thịt, cá và tôm), vitamin A, C, D trong chế độ ăn khi mang thai tháng thứ 4 – 6 thai kì (hoặc tuần thứ 17 – 19 thai kì)

Chậm mọc răng liên quan đến thiếu hụt canxi hay vitamin D

Câu trả lời thường là không. Thiếu hụt vitamin D liên quan nhiều đến các vấn đề nghiêm trọng khác hơn là răng. Thiếu hụt vitamin D có thể đi cùng với thiếu hụt canxi, ảnh hưởng trước hết lên mật độ xương và phát triển hệ vận động của bé. Thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng trực tiếp lên chân tay của bé mà không tác động sớm đến răng. Do đó, không dựa vào tình trạng răng để đánh giá thiếu hụt vitamin D hay canxi, mà phải có những đánh giá chính xác từ bác sĩ

Theo chỉ định lâm sàng, các bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu phải được phơi nắng đầy đủ do trong sữa mẹ rất ít vitamin D. Nếu vitamin D có thể đạt được khi phơi nắng đầy đủ thì bé không cần bổ sung canxi vì 85% canxi từ sữa mẹ có thể được hấp thụ. Mẹ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu điều kiện phơi nắng không đầy đủ do nhiều yếu tố, có thể bổ sung thêm vitamin D. Các bé bú sữa công thức không cần bổ sung thêm vitamin D do trong sữa này đã bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cần thiết cho bé

Sau 6 tháng, việc bổ sung vitamin D là khuyến khích cho tất cả bé. Khi bé bắt đầu ăn dặm, nên áp dụng phương pháp ăn dặm đúng cho bé (có thể tham khảo thực đơn gợi ý theo phương pháp ăn dặm 3 DAY WAIT). Vào tuần thứ 8 ăn dặm mẹ có thể giới thiệu thêm những thực phẩm chứa canxi

Nguyên tố fluor và mọc răng

Hiệp hội nha khoa Anh Quốc đã nhấn mạnh: lượng fluor trong cơ thể bé khi sinh đã đủ cho việc phát triển và hình thành răng trong giai đoạn bú mẹ

Khi các bé ăn dặm, nếu các bé sống trong thành phố hoặc những khu vực có nước máy đã bổ sung fluor thì chế độ ăn của bé đã đủ fluor. Chỉ những trường hợp đặc biệt do khu vực bé sống có nguồn nước không đủ Fluor thì mới cần bổ sung Fluor (chỉ các bé trên 6 tháng tuổi), nhưng phải do bác sĩ dinh dưỡng chỉ định và đánh giá. Việc bổ sung tùy tiện các thuốc bổ sung chứa fluor sẽ gây dư thừa, có thể làm trì hoãn mọc răng ở bé (Gs.Bs. Fleming, 2011)

Canxi và fluor

Bổ sung canxi tùy tiện làm ảnh hưởng đến hàm lượng fluor dự trữ trong các bé dưới 6 tháng và sự hấp thụ fluor từ thực phẩm. Đặc biệt các thuốc bổ sung canxi có chứa muối canxi phốt-phát (calcium phosphate), có sự hiện diện cả canxi và nhóm phốt-phát, sẽ làm giảm hàm lượng fluor trong cơ thể các bé (theo báo của hiệp hội nha khoa của Anh). Điều này cũng làm chậm sự mọc răng ở các bé. Do đó, việc bổ sung canxi cho các bé là nên tư vấn bác sĩ dinh dưỡng

Điều gì mẹ nên làm cho bé

Mẹ mang thai nên có chế độ ăn cân bằng, đủ các nhóm dinh dưỡng chính, đặc biệt  là chất đạm, vitamin A, C, D trong tuần thứ 17 – 19 thai kì

Bé mới sinh 6 tháng nên cho bú mẹ là ưu tiên (vì canxi trong sữa mẹ là dạng dễ hấp thu cho các bé) và phơi nắng đầy đủ cho bé

Việc bổ sung vitamin D là cần thiết nếu điều kiện phơi nắng không đầy đủ (do thời tiết). Trong trạng thái đủ vitamin D, bé có thể hấp thụ tốt canxi từ sữa và thực phẩm (dạng canxi hấp thụ tự nhiên qua ăn uống là dạng hấp thụ tốt nhất)

Việc sử dụng các thuốc bổ sung canxi hay fluor là không cần thiết, thậm chí gây nhiều ảnh hưởng đến mọc răng nếu dùng không đúng và tùy tiện. Bạn nên tư vấn bác sĩ dinh dưỡng trước để được chẩn đoán, làm xét nghiệm để được đánh giá bổ sung hợp lý và an toàn

Ngoài việc làm tốt những điều trên, các mẹ hãy luôn vui vẻ, không áp lực, tự tin và chờ đợi, theo thời gian bé sẽ mọc răng

Khi nào cần tư vấn nha sĩ

Nếu sau 13 – 18 tháng bé tăng trưởng bình thường, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng thì nên tư vấn nha sĩ để được đánh giá tốt hơn

Khi nào cần tư vấn bác sĩ dinh dưỡng

Trong trường hợp bé bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng, răng chưa mọc cái nào sau 13 tháng thì nên tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để được đánh giá tốt hơn về dinh dưỡng của bé

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác