DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ từ 1 - 5 tuổi

Share Ngày đăng: 06:32:29 - 27/06/2019 - Số lượt người xem: 1676

Chủ yếu các mẹ thường quan tâm nhất về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, và sau khi con tự ăn được thì dần dần bắt đầu “lỏng lẻo” với chế độ dinh dưỡng của con vì tuổi này các bé cũng tăng chậm cả về chiều cao và cân nặng so với lúc sơ sinh.Tuy nhiên dinh dưỡng ở tuổi 1-5 của trẻ em vô cùng quan trọng vì những lí do sau:

- Trẻ ở tuổi phát triển mạnh cả về thể chất và trí tuệ, đồng thời hoạt động tay chân tăng nhiều, nên cần ăn đủ năng lượng và các nhóm dinh dưỡng chính như protein, chất béo, carb, vitamin và khoáng chất.

- Thói quen ăn uống ở tuổi này sẽ trở thành thói quen ăn uống khi trẻ lớn lên và ảnh hưởng cả tác phong ăn khi đã trưởng thành. Nên đây là lúc tốt nhất để rèn thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ em.

- Tuổi này trẻ tiếp tục phát triển kĩ năng tự ăn, nên loại thức ăn và cách chế biến, trình bày rất quan trọng để khuyến khích trẻ tự ăn.

- Chế độ dinh dưỡng tuổi này có thể ngăn chặn bệnh béo phì ở tuổi mới lớn hoặc trưởng thành sau này. Rất nhiều em bé ngày nay ở thành phố lớn có nguy cơ béo phì hoặc tiền béo phì do gia đình cho ăn nhiều quá, nhưng vẫn thiếu chất cần thiết vì gia đình chưa có ý thức về chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng.

- Tác phong ăn ở bàn cùng gia đình tuổi này sẽ hình thành kĩ năng tương tác quan trọng để chuẩn bị bé vào trường mẫu giáo.

Vậy thế nào là một chế độ ăn đủ và cân bằng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 1-5 tuổi? Bạn hãy đọc kĩ tóm tắt dưới đây về từng nhóm dinh dưỡng, loại thức ăn tương ứng và lượng ăn phù hợp cho bé nhé!

Về nguyên tắc, mỗi ngày, trẻ cần ăn đủ cả 5 nhóm thức ăn thiết yếu, đó là: Rau và hoa quả, tinh bột, sản phẩm từ sữa, chất béo, và đạm. Đồ ngọt hay bánh kẹo không nằm trong 5 nhóm thực phẩm này nên cần hạn chế ăn ít, không ăn hàng ngày.

Theo thống kê của Bộ Y Tế Anh Quốc, trẻ từ 1-5 tuổi cần năng lượng trong một ngày như sau:

1 tuổi - Trai 765 kcal, Gái 717 kcal
2 tuổi - Trai 1004 kcal, Gái 932 kcal
3 tuổi - Trai 1171 kcal, Gái 1076 kcal
4 tuổi - Trai 1386 kcal, Gái 1291 kcal
5 tuổi - Trai 1482 kcal, Gái 1362 kcal

Như vậy, bạn có thể thấy là lượng bé cần ăn không hề ít về năng lượng, thậm chí một người phụ nữ trưởng thành 40-50kg cũng chỉ cần mức năng lượng tương đương một bé 5 tuổi.

Tuy nhiên, Trẻ 1-5 tuổi có dạ dầy chỉ bé bằng 1/5 dạ dầy người lớn, nên chúng ăn rất nhanh no, và cũng dễ chán ăn hơn. Vì vậy để đảm bảo trẻ ăn đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng, bạn cần cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ rải rác trong ngày, gồm 3 bữa chính (suất bé) và 2 bữa phụ ở giữa các bữa chính, vào đúng một khung giờ mỗi ngày. Trẻ nhỏ rất cần sự nhịp nhàng và điều độ trong sinh hoạt nên việc ăn uống càng đúng giờ càng tốt.

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ DINH DƯỠNG CHO TRẺ 1 - 2 TUỔI

Có 1 số lưu ý đặc biệt về trẻ 1-2 tuổi so với trẻ 3-5 tuổi nên các bạn cần lưu ý như sau:

Trẻ 1-2 tuổi có thể ăn thức ăn giống người lớn trong nhà (Với điều kiện là thức ăn lành mạnh sẽ liệt kê dưới đây). Bé cần ăn nhiều bữa nhỏ và bữa phụ giữa các bữa chính như hoa quả, dưa chuột, bánh mỳ.

- Sữa: tuổi này cần uống sữa - có thể từ sữa mẹ hoặc sữa bò. Nếu bé uống sữa công thức từ trước 1 tuổi, thì sau 1 tuổi có thể đổi sang sữa bò tươi nguyên kem. lưu ý là là nên uống sữa không đường, nguyên kem để bé vừa quen vị sữa nguyên chất, vừa có đủ chất béo và vitamin trong sữa nguyên kem. Một ngày bé cần 3 bữa sữa, mỗi bữa 100ml-120ml (sữa chua cũng tính là một bữa sữa).

- Tinh bột: cần một ngày 3-4 suất. tránh hoặc hạn chế tối đa tinh bột và đường từ thức ăn đóng gói, chế biến sẵn như bim bim, bánh quy, bánh ngọt.

- Rau quả: cần một ngày 3 đến 4 suất, gồm cả rau và hoa quả.

- Đạm/Protein: cần một ngày 2 suất từ thịt, trứng, cá, đỗ…

- Nước uống: Ưu tiên uống sữa và nước lọc giữa các bữa ăn. Không cần uống nước ép từ quả, nếu có thì dưới 150ml/ngày, và 1 phần nước ép phải được pha loãng với 10 phần nước lọc, và uống kèm thức ăn, để giảm khả năng sâu răng. Tuyệt đối không cho nước có ga, trà, caphe, nước ngọt công nghiệp, nước ép có đường…

- Thức ăn cần tránh: Muối (không cần thêm vào thức ăn của bé), Hạt (hạt điều, lạc, hạnh nhân) để tránh hóc, Đường/Sỉro/Mật ong là không cần thiết và dễ gây sâu răng cho bé.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CÂN BẰNG CHO TRẺ 1 - 5 TUỔI

Dưới đây là những nhóm thức ăn cần có trong các bữa ăn trong ngày của bé nhé (không cần bữa nào cũng đủ cả 5 nhóm dưới đây nhưng cả ngày phải có đủ cả 5 nhóm!).

Về lượng từng nhóm thức ăn cho mỗi suất ăn chỉ để tham khảo, có thể dao động tuỳ tuổi, mức vận động và nhu cầu tự nhiên của bé - hãy ưu tiên để bé ăn theo đúng nhu cầu bằng cách ngừng ăn khi no và ăn khi đói.

Nếu con bạn biếng ăn và không thể ăn đủ 5 nhóm thức ăn dưới đây trong một ngày, thì hãy chú ý là trong cả tuần có ăn cả 5 nhóm thức ăn này, vì đôi khi trẻ sẽ ăn nhiều một ngày, rồi lại ăn ít ngày khác, chứ không phải ngày nào cũng ăn giống ngày nào. Nên bạn không cần quá lo lắng.

1. TINH BỘT

Tinh bột từ thức ăn thực vật như gạo, khoai, hay sản phẩm làm từ bột mỳ như mỳ, bánh mỳ rất tốt và cần thiết cho trẻ để cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất.

Nếu được, sau 2 tuổi, hãy bắt đầu cho trẻ ăn xen kẽ tinh bột phức từ ngũ cốc nguyên hạt như gạo lức, yến mạch, bột mỳ nâu nguyên cám… hoặc các củ nhiều tinh bột như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, sắn… thì sẽ nhiều chất xơ, protein và vitamin, khoáng chất hơn là tinh bột tinh luyện như cơm trắng, bánh mỳ trắng. Tuy nhiên chỉ cần ăn 50/50 tỉ lệ tinh bột phức với tinh bột tinh, vì nhiều chất xơ quá trẻ sẽ khó tiêu và no lâu, giảm năng lượng ăn vào.

Mỗi bữa ăn trong ngày đều cần một suất tinh bột. Ví dụ 1/2-1 lát bánh mỳ, 3-6 thìa yến mạch (khô, chưa nấu), 2-5 thìa canh mỳ pasta, 1/3-1/2 bát cơm, 1/2 đến 1 củ khoai tây cỡ bằng quả trứng.

2. RAU QUẢ

Rau và hoa quả rất quan trọng với trẻ vì có vitamin, khoáng chất và chất xơ, nên cần được thêm vào tất cả bữa chính và cả bữa phụ trong ngày.

Trẻ trên 2 tuổi nên ăn 1 ngày ít nhất 5 suất rau hoặc quả, ví dụ trong một ngày có thể ăn đủ 5 loại sau: lơ xanh, cam, cà rốt, đậu hà lan, cà chua.

Bạn nên cho trẻ ăn rau, quả nhiều màu khác nhau để đảm bảo trẻ hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau.

Mỗi suất rau/quả trong một bữa của trẻ bằng lượng để vừa trên 1 bàn tay của trẻ. Vì vậy trẻ càng bé cần lượng càng ít.

Nếu trẻ kén ăn rau sống, hãy thử rau chín, và ngược lại. Hoa quả ăn càng tươi càng tốt (không chế biến). Nếu rau củ cứng quá, bạn có thể nấu nhừ hoặc xay vào sốt mỳ, sốt trộn hoặc sốt nấu cùng thịt.

3. SỮA VÀ THỰC PHẨM TỪ SỮA BÒ

Trẻ ở tuổi này cần sữa hoặc sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai để có đủ protein, canxi, vitamin và khoáng chất. Lúc này xương của bé phát triển rất nhanh và mạnh, nên đặc biệt cần canxi và Vitamin D, đều có sẵn trong sữa bò.

Một ngày hãy cho bé ít nhất 350ml sữa/ngày hoặc 2 suất thực phẩm từ sữa như sữa chua hoặc phomai. Mỗi suất sữa là 100-120ml, hoặc sữa chua 100-125ml, hoặc phomai 15-20g (1 lát hoặc 1 tam giác phomai).

Tuy nhiên bé không nên uống quá 500ml/ngày để tránh đầy bụng không ăn được thức ăn trong bữa chính. Có thể cho sữa uống kèm bữa chính hoặc uống vào bữa phụ.

Trẻ dưới 5 tuổi chưa nên uống sữa có dưới 2% chất béo (sữa gầy) để đảm bảo có đủ vitamin A (hấp thụ cùng chất béo) và calo trong ngày.

Nếu trẻ dị ứng sữa, có thể cho uống sữa đậu nành hoặc sữa hạt, sữa yến mạch không đường có bổ sung canxi (xem kĩ thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm). Tránh uống sữa gạo do có chất arsenic hại cho bé.

Trẻ trên 1 tuổi là có thể chuyển sang sữa bò nguyên chất. Việc duy trì sữa công thức ở tuổi này là không cần thiết nữa nếu bé ăn dặm đầy đủ, và cũng nên bỏ dần sữa ct để bé làm quen với sữa bò và có bụng để ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng dễ hấp thụ hơn.

4. PROTEIN/ĐẠM

Trẻ cần 2 bữa đạm một ngày từ thịt, cá, trứng, các loại đỗ, đậu phụ, tôm, mực… để có đủ protein hình thành cơ và gân sụn mới cho tăng trưởng. Trong thịt và đỗ cũng có nhiều sắt rất cần cho trẻ để hình thành hồng cầu trong máu và phát triển trí não. Nếu trẻ không thích ăn thịt, hãy cố bổ sung sắt từ đỗ, rau xanh, và đặc biệt là đậu lăng để tránh thiếu sắt dẫn đến thiếu máu nhé!

1 tuần bé nên ăn 2 bữa cá, trong đó 1 bữa là cá biển nhiều dầu như cá hồi, cá thu để có đủ omega 3 cho phát triển não và mắt. Con trai không nên ăn quá 4 bữa cá biển, và con gái không nên ăn quá 2 bữa cá biển một tuần để tránh nhiễm tạp chất kim loại từ cá biển. Vì vậy không phải cứ ăn nhiều cá hồi là tốt đâu nhé!

Lượng thức ăn đạm mỗi suất cần 2-4 thìa canh.

5. LƯU Ý VỀ CHẤT BÉO VÀ MUỐI

Trẻ tuổi này có thể ăn đủ chất béo lành mạnh từ sữa nguyên kem, sữa chua, phomai, và thịt, cá hồi… Nên khi nấu ăn, bạn vẫn nên hạn chế thêm dầu mỡ lúc chiên xào. 
Đối với muối, hạn chế lượng muối tối đa có thể khi chế biến thức ăn cho bé. Tránh cho bé ăn thức ăn chiên ngập dầu ở ngoài hàng như fast food, sẽ nhiều chất béo bão hoà và muối/sodium.

Hi vọng bạn hiểu hơn về chế độ ăn lành mạnh cho con mình, và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cả con và gia đình! Hãy nhớ là ăn đủ chất quan trọng nhưng nên cho phép bé tìm hiểu thức ăn mình yêu thích và tự ăn, tránh ép ăn và đút ăn sẽ khiến bé mất dần hứng thú với thức ăn và có mối quan hệ không lành mạnh với thức ăn (ghét ăn, biếng ăn, sợ đến giờ ăn, ăn vì sợ bị mắng...). Hãy tin rằng trẻ sẽ ăn khi đói và dừng khi đủ no và luôn kiên trì giới thiều thức ăn mới cho bé để khỏi nhàm chán nhé! Theo thống kê một loại thức ăn bé có thể phải thử 15 lần mới thấy thích và chấp nhận được. Nên bạn đừng bỏ cuộc quá sớm nhé !

 

                                                                        DCA

 

 

 

 

 

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác