DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Công thức bữa sáng đầy đủ dinh dướng cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi

Share Ngày đăng: 07:27:12 - 11/07/2019 - Số lượt người xem: 1828

Bữa sáng là bữa quan trọng cho các bé tuổi đi mẫu giáo, vì đó là bữa các bạn hào hứng nhất sau một đêm ngủ dài. Vì vậy đây là lúc tốt nhất để cho bé ăn một bữa giàu năng lượng, nhiều carb phức, giàu protein, và giàu chất xơ, vitamin, chất khoáng.

Mỗi sáng khi quyết định cho bé ăn gì, các mẹ nên thiết kế bữa ăn theo công thức sau đây để có một bữa sáng lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng nhất cho bé:

Protein

Protein là “viên gạch” hình thành nên mọi cơ quan, chức năng trong người bé. Khi ở tuổi đang lớn, protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất để bé phát triển tốt và bình thường. 
Bữa sáng (và các bữa chính khác trong ngày) của trẻ em luôn phải có protein. Có thể chọn Protein từ 1 cốc sữa bò nguyên kem (khoảng 100-120ml), sữa chua không đường (1 hũ 100-120ml), một miếng phomai 10-15g, hoặc 1 quả trứng luộc/rán dầu oliu (hoặc trứng quấy).

Carb

Carb đối với trẻ em đang lớn rất quan trọng, để cung cấp dồi dào năng lượng cho bé. Lượng carb nên chiếm một nửa khẩu phần của bữa ăn.

Hãy chọn carb cho bữa sáng từ bánh mì (bánh mỳ gối, bánh mỳ ngũ cốc…), hoặc tốt hơn nữa, từ khoai lang, khoai sắn, yến mạch nguyên miếng cán dẹt (rolled oats). Trong yến mạch có đầy đủ carb, protein, chất xơ và nhiều vitamin, khoáng chất rất bổ dưỡng cho trẻ em. Bạn có thể nấu thành cháo hoặc sấy trong lò nướng/nồi chiên cùng một ít mật ong thành yến mạch giòn, trẻ em rất thích.

Rau/Quả

Bữa ăn nào của bé cũng nên có 1 phần rau 1 phần quả để ăn đủ chất xơ và vitamin, chất khoáng quan trọng chỉ có trong rau quả. Nhưng bữa sáng khó cho ăn rau hơn, nên các mẹ nên co bé ăn hoa quả như chuối, táo, nho… kèm bữa sáng. Và đặc biệt nếu thêm hoa quả khô như nho khô, berry khô… vào bữa sáng (vào trong sữa chua, ngũ cốc, cháo yến mạch…) thì sẽ càng thêm chất xơ và vitamin cho bé, vì hoa quả khô có đầy đủ các dinh dưỡng và chất chống oxy hoá của hoa quả tươi, chỉ là bé hơn thôi. Cẩn thân không cho nhiều quá, sẽ bị nhiều đường từ hoa quả khô khiến bé quen ăn ngọt (1 thìa tối đa).

Riêng rau quả không có giới hạn cho bé ăn bao nhiêu. bé ăn được càng nhiều trong bữa càng tốt (và bữa ăn snack cũng nên có 1 phần rau hoặc 1 phần quả).

Chất béo lành mạnh

Trẻ em rất cần chất béo lành mạnh không bão hoà, từ các nguồn thực vật, để phát triển tốt cả trí tuệ và thể chất. Đặc biệt trẻ càng nhỏ, càng cần ăn đủ chất béo lành mạnh để phát triển thần kinh, bộ não tối ưu. Ngoài ra chất béo còn giúp trẻ hấp thụ tốt các vitamin chỉ hoà tan trong chất béo như Vitamin A, D, E, K rất cần thiết cho sức khoẻ.

Bữa sáng có thể chọn những chất béo lành mạnh từ thức ăn như quả bơ, dầu oliu (ví dụ dùng để chiên trứng hay nấu cháo yến mạch), dầu dừa trộn yến mạch nướng, hạt chia trộn sữa chua (2 thìa caphe), hạt hạnh nhân (khoảng 4 hạt, thái vụn để tránh hóc)…

Nước

Nước rất cần thiết để bé tiêu hoá, hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn và sau đó giúp dinh dưỡng được phân tán đi khắp nơi trên cơ thể nhanh hơn. đồng thời nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch tốt cho bé.

Với bữa sáng, bé đặc biệt cần uống nhiều nước sau 1 đêm dài không uống. Hãy cho bé uống nước ngay sau khi ngủ dậy và uống tiếp kèm với bữa sáng (sữa cũng được tính là chất lỏng như nước).

Bổ sung Vitamin

Đối với các bé từ 1 -5 tuổi, việc bổ sung Vitamin vẫn cần thiết do khả năng bé ăn chưa đủ từ thức ăn là cao. Theo khuyến cáo tổ chức sức khoẻ quốc tế, tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi cần bổ sung Vitamin A, C và tối thiểu 10 microgram (ug) Vitamin D - do đa số trẻ em chưa đủ thời gian ngoài ánh sáng mặt trời để tổng hợp Vitamin D cho sự phát triển của xương và sức khoẻ nói chung. Bạn có thể mua “kẹo” multivitamin có đầy đủ các vitamin trên cho bé ngậm/nhai sau khi ăn sáng, hoặc mua dạng siro để trộn vào nước/sữa.

Nếu bé không ăn thì đừng buồn, hãy cho bé “chọn” một lựa chọn khác (tất cả lựa chọn đều tuân theo quy tắc lành mạnh trên, nhưng bé sẽ thấy thú vị hơn khi được chọn). Ví dụ, bé không muốn ăn ngũ cốc, thì cho chọn bánh mỳ kẹp phomai, hoặc trứng rán với bánh mỳ, .v.v..

Lưu ý: điều quan trọng nhất đối với việc cho trẻ ăn là phải cho trẻ tự dừng khi đã no, đừng cố ép trẻ ăn hết thức ăn trên đĩa/bát, để trẻ tự phát triển khả năng nhận biết tín hiệu no/đói của cơ thể. Đừng lo trẻ ăn thiếu, vì sau vài bữa ăn ít, trẻ sẽ ăn nhiều lên để bù năng lượng, đó là bản năng rồi.

Dựa trên công thức trên, các mẹ hãy tự sáng tạo ra những bữa ăn lành mạnh nhất cho bé bằng chính trí tưởng tượng của mình nhé.

 

 

 

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác