DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Tăng cân khi mang bầu - bao nhiêu là lành mạnh, mỗi ngày nên ăn thêm bao nhiêu calo

Share Ngày đăng: 06:38:37 - 20/06/2019 - Số lượt người xem: 1800

Khi mang thai, cơ thể chúng ta sẽ có nhiều thay đổi để làm “ngôi nhà” cho em bé trong 9 tháng, trong đó thay đổi lớn nhất là về cân nặng.

Việc tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ rất quan trọng đối với sức khoẻ cả mẹ và bé, vì đó chính là trọng lượng của em bé, của nước ối, của nhau thai, của tử cung, của lượng máu gia tăng đáng kể trong người mẹ để nuôi thai, và cuối cùng là lượng mỡ tích thêm trong người mẹ để chuẩn bị làm kho năng lượng tạo sữa mẹ sau khi sinh.

Trong thai kì, cân nặng lên ít quá, hay nhiều quá đều có hậu quả không tốt:

- Thiếu cân: Trong trường hợp lên ít cân quá sẽ có khả năng sinh non hoặc em bé sinh ra thiếu cân, có thể ảnh hưởng sức khoẻ bé khi lớn lên khi tăng rủi ro bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc tiểu đường loại 2 so với em bé có cân nặng bình thường.

- Thừa cân: Nếu trong thai kỳ người mẹ lên cân nhiều quá, có thể tăng rủi ro bị tiểu đường thai kỳ và huyết áp cao, thậm chí tiền sản giật, hoặc tăng nguy cơ phát sinh vấn đề khi sinh nở dẫn đến phải sinh mổ.

CÂN NẶNG LÍ TƯỞNG KHI MANG THAI:

Vậy nên tăng bao nhiêu cân trong suốt thời gian mang bầu là lành mạnh nhất?

Điều đó phụ thuộc vào cân nặng của bạn. Theo khuyến cáo tổ chức sức khoẻ Anh Quốc, bạn cần tăng cân như sau theo chỉ số BMI của riêng mình, tính theo công thức BMI = cân nặng (kg)/(chiều cao (m) x chiều cao (m) hoặc cân nặng chia cho chiều cao bình phương (kg/m2):

- Nếu bạn có BMI < 18.5 (thiếu cân): bạn cần tăng 12.7 - 18.1 kg trong thai kỳ.

- Nếu bạn có BMI = 18.5-24.9 (cân nặng bình thường): bạn cần tăng 11.3 - 15.9kg trong thai kỳ.

- Nếu bạn có BMI = 25-29.9 (thừa cân): bạn cần tăng 6.8 - 11.3kg trong thai kỳ.

- Nếu bạn có BMI > 30 (béo phì): bạn chỉ nên tăng 5-9.1kg trong thai kỳ.

Như vậy, không có 1 con số cân nặng lý tưởng chung cho tất cả phụ nữ mang thai, vì tuỳ thuộc vào sức khoẻ cân nặng mỗi người trước khi mang thai, sẽ cần có mức cân nặng khuyến cáo khác nhau cho họ trong thai kỳ. Vì vậy hãy tránh việc so sánh cân nặng của mình trong thai kỳ so với người khác và lo lắng nếu mình lên ít quá/nhiều quá so với người khác, vì điều đó không có ý nghĩa gì nếu cân nặng trước khi mang thai của bạn cũng đã khác người khác.

Tóm lại, nếu trước khi mang thai bạn càng gầy thì khi mang thai càng cần lên nhiều cân hơn, và ngược lại.

MỖI NGÀY NÊN ĂN THÊM BAO NHIÊU CALO KHI MANG THAI?

Đây là câu hỏi mà các mẹ bầu thường quan tâm và thắc mắc nhất. Và điều các bác sĩ dinh dưỡng muốn các bạn lưu ý là khi mang thai, chúng ta không cần ăn nhiều hơn đáng kể so với trước hoặc tẩm bổ quá nhiều, sẽ dẫn đến thừa cân khi mang thai và dẫn đến những nguy cơ đã nêu trên và khó khăn về cân nặng ban đầu sau khi sinh.

Đừng nghĩ rằng mình phải “ăn cho 2 người” như nhiều người vẫn nói. Thực ra theo khuyến cáo, chúng ta KHÔNG cần ăn nhiều hơn hoặc nạp thêm calo so với trước trong suốt thai kỳ 1 và 2, và đến thai kỳ 3, khi thai nhi đã to hơn, mới cần nạp thêm 200 calo so với trước mỗi ngày - bằng lượng calo trong 2 quả chuối, vài miếng bánh quy hoặc 2 bát cơm.

Vì vậy, nếu mỗi ngày bạn uống thêm sữa bầu, ăn nhiều hơn đáng kể so với trước, hoặc “thả phanh” ăn những gì mình thèm, thì chắc chắn sẽ bị thừa cân không cần thiết, và năng lượng thừa đó sẽ không vào em bé mà chủ yếu tích thành mỡ.

Thay vì việc cố gắng ăn “thêm chất”, hãy chú trọng ăn một chế độ dinh dưỡng cân bằng, có đầy đủ các nhóm protein, carb, chất béo lành mạnh (từ hạt, dầu thực vật…), chất xơ trong mỗi bữa, suốt giai đoạn chuẩn bị có thai hoặc trong thai kỳ. Mỗi ngày hãy ăn đúng bữa, đúng giờ, và duy trì hoạt động chân tay/thể chất trong suốt thời gian mang thai. Như vậy, bạn sẽ đảm bảo lên được số cân nặng lành mạnh nhất cho mình trong thai kỳ và cũng có thể sớm về cân nặng ban đầu hơn sau khi sinh.

VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

Vận động thể chất suốt thai kỳ rất quan trọng, vừa để tránh lên cân quá nhanh, vừa để làm chắc khoẻ cơ bắp để cố định tư thế khi bụng to dần, tránh đau mỏi lưng, chân, phù chân tay, và có sức bền để sinh tự nhiên.

Tập thể dục thường xuyên trong thời kỳ mang thai còn giúp hệ thần kinh bà bầu hoạt động hiệu quả, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ổn định chỉ số đường huyết. Bên cạnh đó, các triệu chứng thường gặp trong thai kỳ như táo bón, trĩ, chuột rút, tiền sản giật, phù chân… cũng được cải thiện nếu bà bầu duy trì lịch tập thể dục, thể thao đều đặn và hợp lý.

 

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác