DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Cách đối phó những cơn đau đầu trong thời tiết nắng nóng

Share Ngày đăng: 09:15:19 - 24/05/2019 - Số lượt người xem: 2092

 

Đau đầu do thời tiết chỉ sau vài giờ là khỏi nhưng lại gây nhiều phiền toái cho cơ thể. Để đối phó những cơn đau đầu trong thời tiết nắng nóng, bạn có thể tham khảo lời khuyên của chuyên gia dưới đây.

 

Đầu đau như búa bổ ngày nắng

Trong những ngày nắng nóng cao điểm gần đây, dưới tác động của thời tiết cùng áp lực công việc khiến nhiều người bị đau đầu. Tại các bệnh viện, lượng người nhập viện do nắng nóng cũng nhiều hơn.

 

Nhiều trường hợp khi thấy đau đầu là lập tức uống paracetamol. Như trường hợp bà Lương Thị Đào (ở Hà Nội) những ngày này liên tục kêu than vì đau nhức đầu chóng mặt. Để thoát khỏi những cơn đau đầu như “búa bổ”, bà ra hiệu thuốc tự mua paracetamol về uống trong nhiều ngày. Dù con trai nói không được lạm dụng thuốc, nhưng bà không nghe vì cho rằng đây là loại thuốc khá an toàn. Hơn nữa, mỗi lần uống xong bà lại hết hẳn cơn đau đầu nên ngày nào bà cũng uống.

 

Trao đổi với PV về vấn đề này, BS Hoàng Xuân Đại cho biết, khi gặp những cơn đau đầu, người bệnh không nên lạm dụng dùng thuốc giảm đau paracetamol, bởi dùng bừa bãi sẽ bị hiệu ứng ngược. Đau đầu do thời tiết sẽ xuất hiện nhiều hơn, khó điều trị hơn và phải uống nhiều thuốc hơn. Dùng quá liều có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, mất tác dụng của thuốc, cơn đau đầu không khống chế được nữa. Trong thực tế cũng đã ghi nhận trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng paracetamol.

 

BS Hoàng Xuân Đại cho biết thêm, đau đầu có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Đau có thể một bên hay đau cả đầu hoặc đau theo từng vùng khu trú như vùng gáy (vùng chẩm, vùng trước trán hoặc vùng thái dương, đau ở ngay phía trên hai mắt, hai tai, đau ở vùng trên của cổ...).

 

Ai cũng có thể đau đầu do thời tiết, kể cả trẻ nhỏ. Nhất là với những người cơ cơ địa quá mẫn cảm với thời tiết, tiềm tàng bệnh có đau đầu thì nguy cơ bị đau đầu cao hơn trong ngày hè là người rối loạn tiền đình, huyết áp cao, viêm xoang…

 

Nguyên nhân thời tiết nắng nóng làm cho rối loạn điều hòa nhiệt độ ở não bộ. Khi đó sẽ làm cho đầu bị đau, nhiệt độ trung tâm. Đông y gọi đó là hiện tượng bất thống, huyết mạch không thông. Thống có nghĩa là đau, thông có nghĩa là thông suốt, liền mạch. Nếu sự lưu thông khí huyết bị cản trở sẽ dẫn đến ứ tắc, gây đau. Với trường hợp những người thấy hiện tượng ù tai trong ngày nắng nóng một phần do tác động của thời tiết và đó cũng là cảnh báo thận đang có vấn đề.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TPHCM cũng cho rằng, lạm dụng thuốc giảm đau paracetamol “cắt cơn” đau đầu trong những ngày thời tiết nắng nóng là điều nguy hiểm. Lạm dụng thuốc giảm đau không những không giúp bớt bệnh mà còn che mờ các dấu hiệu nguy hiểm nếu có, dẫn đến nhập viện chậm trễ.

 

Dùng thuốc này thường xuyên và lâu dài có thể gây viêm gan do thuốc. Theo đúng chỉ định, thuốc không dùng để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em và ở người lớn không quá 10 ngày, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Người thường xuyên uống rượu không nên dùng bừa bãi paracetamol để “ngừa nhức đầu”. Paracetamol và rượu đều có hại gan, sự kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

 

Cách loại bỏ cơn đau đầu trong ngày nắng

BS Hoàng Xuân Đại cho biết, đau đầu là triệu chứng của nhiều bệnh. Đau đầu không chỉ là do nắng nóng, mà còn là biểu hiện của bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, huyết áp cao… Để “đối phó” với những cơn đau đầu cần phải khám toàn diện để xác định cơn đau đầu đấy là do nắng nóng gây lên hay không.

 

Đau đầu vì nắng nóng sẽ có biểu hiện khác với những cơn đau do bệnh lý khác. Chẳng hạn, đau đầu do huyết áp thường có biểu hiện nóng mặt, choáng, mạch nhanh; Đau đầu do viêm tai thì thường đau bên tai… Đau đầu do nắng nóng thường sẽ đau toàn đầu, đầu cứ ong ong, mệt mỏi.

 

Tùy từng nguyên nhân gây đau đầu mà có cách trị khác nhau và để dự phòng đau đầu trong những ngày nắng nóng như hiện nay, mọi người có thể tham khảo những cách sau:

 

Uống đủ nước

Mất nước một trong những nguyên nhân gây đau đầu trong những ngày nắng nóng. Bởi vậy cần uống đủ nước. Mất nước có thể ảnh hưởng đến chức năng bình thường của cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng huyết áp và sự thay đổi này gây ra nhức đầu. Bởi vậy, cần chú ý bù nước cho cơ thể đầy đủ để lưu thông huyết mạch.

 

Uống khoảng 1/2 - 1 cốc nước mỗi giờ (cốc khoảng 230-250ml) nhằm điều hòa cơ thể hiệu quả. Ngoài uống đủ nước, bạn nên bổ sung ăn trái cây tươi hoặc uống trà xanh để ngăn ngừa cơn đau đầu trong mùa hè. Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải thường xuyên đi lại, hãy luôn mang theo nước bên mình.

 

Tránh cho cơ thể thay đổi nhiệt đột đột ngột

Thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc nhiệt độ quá cao có thể góp phần gây đau đầu khi cơ thể không kịp thích nghi. Do đó cần chú ý không để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột như di chuyển cơ thể từ nơi có nhiệt độ cao sang nơi có nhiệt độ thấp và ngược lại một cách nhanh.

 

Trong những ngày nắng nóng cần tránh ra ngoài vào thời điểm nắng cao. Tiếp xúc quá nhiều với nắng hè sẽ làm bệnh đau đầu và đau nửa đầu thêm trầm trọng. Nếu buộc phải ra ngoài thì bạn cần phải có những thiết bị chống nắng như đội mũ rộng vành, áo chống nắng, bôi kem chống nắng… Tránh để nắng chiếu trực tiếp vào gáy, cổ và lưng.

 

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Thời tiết nóng cũng làm nhiều người mất ngủ khiến trí não bị thiếu dưỡng khí làm cho tinh thần mệt mỏi, đau đầu. Bởi vậy cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh nơi ồn ào vì có thể làm đau đầu nặng hơn. Cắt cơn đau đầu bằng Đông y, Y học cổ truyền có thể chữa đau đầu bằng thuốc, đồng thời có thể day bấm huyệt, xoa bóp chữa đau đầu có hiệu quả. Đau đầu có thể chườm nóng, đánh gió ở hai bên thái dương.

 

Hoặc tác động vào các huyệt vị như: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn huyệt ấn đường (giữa hai bên lông mày), huyệt bách hội (trên đỉnh đầu) nằm ở giao điểm giữa đường ngang qua đỉnh vành tai và đường học qua giữa đầu, sờ vào đó có 1 khe lõm nhỏ; thái dương; Hợp cốc: Giữa 2 xương bàn tay thứ 1 và thứ 2, ở mu bàn tay gần điểm giữa bên quay của xương bàn tay thứ 2… để nhanh giảm cơn đau đầu.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có các cơn đau đầu bất thường, đau đầu hơn 2 lần/ngày và đau nửa đầu tần suất có thể là 1-2 lần/tháng (hoặc 4-5 lần/tháng) cần phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân. Mọi người không nên chủ quan chỉ uống vài viên thuốc giảm đau rồi thôi mà dẫn tới biến chứng không đáng có.

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác