Share Ngày đăng: 04:07:33 - 18/05/2019 - Số lượt người xem: 2292
Theo TS.BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da (BV. ĐH Y Dược TP.HCM), thang đo chỉ số UV (UVI) tuân thủ theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, mức cao nhất là 11+, với UVI càng cao càng gây tổn thương dẫn đến lão hóa da, tổn thương các vật liệu di truyền cấp độ tế bào tạo tiền đề gây ung thư, tổn thương mắt...
UVI càng cao càng tàn hại sức khỏe
Cách phòng tránh, theo BS. Vân Thanh, tránh ra nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu buộc phải ra ngoài, chúng ta nên tìm bóng râm, mặc đồ bảo vệ với chất liệu vải sợi dày khít và sậm màu, đội nón rộng vành, đeo kính có ngăn tia UV.
Đặc biệt, BS. Vân Thanh khuyến cáo, “cần thoa kem chống tia UV với chỉ số từ 30+ trở lên mỗi 2 - 3 giờ, ngay cả khi trời nhiều mây; hoặc trước, trong và sau khi bơi; sau khi ra nhiều mồ hôi. Tránh mắt tiếp xúc trực tiếp với các diện tích sáng, rộng lấp lóa như bãi cát, mặt nước hồ, cửa kính… vì sẽ làm tăng thêm phơi nhiễm với các tia độc hại như UVA hay UVB.”
0 to 2: Mức độ thấp
Chỉ số UV từ 0 đến 2 có nghĩa là mức độ nguy hiểm thấp của tia UV của mặt trời đối với con người.
- Đeo kính râm vào những ngày nắng
- Nếu da bạn nhạy cảm và dễ bị bỏng, hãy luôn che chắn khi ra ngoài bằng quần áo tay dài, mũ nón chống nắng và sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF 30+.
3 to 5: Trung bình
Chỉ số UV từ 3 đến 5 có nghĩa là nguy cơ bị tổn hại vừa phải khi da phơi nắng mà không được bảo vệ.
- Ở trong bóng râm gần giữa trưa khi ánh mặt trời mạnh nhất.
- Nếu ở ngoài trời, hãy mặc quần áo bảo hộ, đội mũ rộng vành và đeo kính râm chống tia UV.
- Sử dụng thường xuyên kem chống nắng phổ rộng SPF 30+ mỗi 2 giờ, ngay cả trong những ngày nhiều mây và sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.
- Cảnh giác với các bề mặt sáng, như cát, nước do tăng phản xạ tia cực tím và tăng phơi sáng.
6 to 7: Cao
Chỉ số UV từ 6 đến 7 có nghĩa là nguy cơ gây hại cao khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được bảo vệ.Bảo vệ chống lại tổn thương da và mắt là vô cùng cần thiết.
- Giảm thời gian đi ra ngoài nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Nếu ở ngoài trời, hãy tìm bóng râm và mặc quần áo bảo hộ, đội mũ rộng vành và đeo kính râm chống tia UV.
- Thường xuyên dùng kem chống nắng phổ rộng SPF 30+ mỗi 2 giờ, ngay cả trong những ngày nhiều mây và sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.
8 to 10: Rất cao
Chỉ số UV từ 8 đến 10 có nghĩa là nguy cơ bị tổn hại rất cao từ việc phơi nhiễm nắng mà không sử dụng bất cứ một biện pháp bảo vệ nào.Chúng ta càng phải thận trọng thêm vì da và mắt không được bảo vệ sẽ tăng nguy cơ cao bị tổn thương và có thể bị bỏng nhanh chóng.
11+: Cực cao, cực nguy hiểm
Chỉ số UV Index từ 11 trở lên có nghĩa là cực kỳ nguy hại khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nếu không được bảo vệ.Thực hiện nghiêm ngặt tất cả biện pháp đã nói ở trên để phòng ngừa vì da và mắt không được bảo vệ có thể bị bỏng trong vài phút. Chúng ta nên tinh tế nhận ra các tình huống bị tác động của tia UV như kể cả ngồi trong phòng mà gần mặt đường, cửa sổ, cửa kính… hoặc trong xe; cần phối hợp thêm phương thức chống nắng uống khi cần và thích hợp.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể gây hại. Theo BS. Vân Thanh, bức xạ UV được phân thành tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC). Khí hậu biến đổi, ô nhiễm, tầng ozone bị phá hoại, kéo theo rủi ro sức khỏe do ba loại trên ngày càng ngày càng gia tăng, trong khi trước đây toàn bộ UVC và một phần UVB được hấp thụ bởi tầng ozone. Da và mắt là hai bộ phận trên cơ thể dễ bị nắng tổn thương nhất nếu thường tiếp xúc tia UV mặc dù trong thời gian ngắn.
“Các tia UV có thể đi xuyên qua da và làm hỏng các tế bào da.Bỏng nắng và rám nắng đều là dấu hiệu của tổn thương da và gây tàn phá nhanh vẻ đẹp của làn da. Các đốm rám nắng xuất hiện sau khi các tia mặt trời đã giết chết một số tế bào của da. Tia UV có thể gây tổn thương da trong bất kỳ mùa nào hoặc ở bất kỳ môi trường khí hậu nào.Chúng cũng có thể gây ra các vấn đề trên mắt, nếp nhăn da và ung thư da,” BS.Vân Thanh cảnh báo.
“Thời gian phơi nhiễm nắng càng nhiều, làn da càng già nhanh hơn bình thường.Dấu hiệu của điều này là da nhăn nheo và các đốm đen.Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch da bị giảm.Các tế bào bạch cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể bạn.Khi da bạn bị nám, các tế bào bạch cầu sẽ phải tập trung giúp cho tiến trình tái tạo ra các tế bào da mới.Điều này có thể đặt hệ thống miễn dịch của bạn gặp nguy hiểm ở các bộ phận cơ thể khác,” BS.Vân Thanh cho biết thêm.
Ngoài ra, tia UV có thể làm hỏng các mô trong mắt. Chúng có thể “đốt cháy” lớp ngoài, gọi là giác mạc. Tia nắng cũng có thể làm mờ tầm nhìn, theo thời gian, dẫn đến đục thủy tinh thể. Điều này có thể gây mù nếu không được điều trị.
Sốc nhiệt ở trẻ
Mọi người đều có nguy cơ bị ánh nắng mặt trời tác động xấu; không quan trọng bao nhiêu tuổi hay màu da như thế nào. Nguy cơ tăng theo thời gian và mức độ tiếp xúc với nắng. Những người làm việc dưới ánh mặt trời cả ngày sẽ có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là trẻ em. BS.CKII. Trần Đắc Nguyên Anh, Phó khoa Nội 1 (BV. Nhi đồng 2), cũng khuyến cáo, thời tiết nắng nóng, quý phụ huynh cần đề phòng tình trạng sốc nhiệt cho trẻ.
“Sốc nhiệt đe dọa tính mạng trẻ khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao (> 400C).Sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể.Đây là một tình trạng cấp cứu.Sốc nhiệt xảy ra khi trẻ ở trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài, nhất là khi trẻ không dược cung cấp đủ nước và mặc nhiều quần áo,” BS.Nguyên Anh khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, tình trạng này thường gặp khi trẻ chơi dưới trời nắng nóng, đi bộ lâu dưới trời nắng gắt, chơi thể thao trong phòng quá nóng và không thông thoáng. Đôi lúc, cha mẹ để trẻ chờ trong xe ôtô dưới trời nắng vì nghĩ rằng mình đi một tí sẽ quay lại ngay (vào siêu thị mua một món hàng nào đó chẳng hạn) nhưng thời gian đi lại lâu hơn mình dự kiến. Lúc quay lại, con trẻ đã xảy ra chuyện (lúc này nhiệt độ trong xe có thể > 500C).
Nhận biết trẻ bị sốc nhiệt
Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, kiệt sức.Trẻ lớn hơn có thể bị chuột rút ở chân hoặc lưng.
Hầu hết các bé kiệt sức vì nóng sẽ có các triệu chứng sau đây:
- Nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao >39,50C (phải đo nhiệt độ hậu môn) hoặc cao hơn nhưng không đổ mồ hôi;
- Da nóng, đỏ, khô.
- Nhịp tim nhanh.
- Bồn chồn.
- Lú lẫn, mất định hướng.
- Chóng mặt.
- Nhức đầu.
- Nôn.
- Thở nhanh.
- Mệt mỏi, lờ đờ.
- Hôn mê.
Xử trí
- Cần đưa trẻ ra khỏi ngay môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo.
- Đắp khăn mát cho trẻ hoặc xối nước lên người trẻ.
- Cho trẻ uống nước (không có cồn, caffeine hoặc chất kích thích) nếu trẻ có thể uống được.
- Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh và không thở.
- Cho trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ vẫn không khỏe
Phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ
Không hoạt động lâu trong thời tiết quá nóng; uống đủ nước (uống nhiều lần trong quá trình hoạt động, không uống một lúc; mang theo đủ nước khi đi xa phòng trường hợp kẹt xe dưới trời nắng); mặc áo quần thông thoáng, sáng màu.