DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Những biện pháp đơn giản để cải thiện chất lượng không khí trong nhà

Share Ngày đăng: 04:32:55 - 14/11/2019 - Số lượt người xem: 3395

Trong thời gian gần đây, mối quan tâm của đa số chúng ta (đặc biệt ở Hà Nội) là vấn đề chất lượng không khí. Và không thể phủ nhận rằng, muốn có cuộc sống và sức khoẻ lành mạnh, điều thiết yếu cần có trước cả ăn uống và tập luyện, đó chính là bầu không khí lành mạnh, trong lành cả trong nhà và ngoài trời.

Tuy nhiên, do không khí ngoài trời ở thành phố giờ ngày càng ô nhiễm, nhất là vào mùa này ở Hà Nội, nên chúng ta nhiều khi ngại mở cửa sổ thông gió và dành nhiều thời gian trong nhà hơn để giảm nguy cơ hít khí bẩn vào người. Điều này thực ra không thực sự giảm vấn đề vì nếu bạn dùng điều hoà, quạt… thì các loại bụi, nấm mốc, dị nguyên từ lông thú nuôi, khói từ việc chiên rán thức ăn… vẫn sẽ lưu chuyển khắp nhà và không thoát được ra. Chính vì vậy, theo thống kê, chất lượng không khí trong nhà trung bình còn có thể ô nhiễm gấp 5 lần ngoài trời!

Chính vì vậy, dù có thể trong nhà bạn không thực sự “ngửi” thấy mùi gì đáng ngại, nhưng bạn vẫn có thể đang hít vào nhiều chất ô nhiễm, có thể gây ra các vấn đề đường hô hấp như ngạt mũi, viêm mũi dị ứng, ho dài ngày, hen suyễn, mệt mỏi, khó ngủ hoặc buồn ngủ quá mức… và kể cả các vấn đề tiêu hoá nữa.

Vậy bạn có thể làm gì để cải thiện chất lượng không khí trong nhà mình? Hãy xem những tip sau để bắt đầu ngay những thay đổi đơn giản này nhé:

1. Hút bụi thường xuyên: hút bụi ít nhất 1 đến 2 lần một tuần. Tốt nhất chọn loại máy hút bụi có lớp lọc HEPA. Giảm thiểu lượng thảm trong nhà cũng có thể cải thiện lượng bụi và dị nguyên gây dị ứng, khó chịu trong nhà.

 

2. Giặt giũ chăn ga gối đệm thường xuyên: chăn ga gối đệm hay giữ bụi và đặc biệt mắc nhiều lông thú nếu bạn có thú nuôi. nên giặt nước ấm ít nhất 54 độ C.

 

3. Dọn sạch đồ đạc ít dùng, cất vào ngăn kín, giảm thiểu đồ đạc nhỏ bừa bãi dễ giữ bụi.

 

4. Nên trồng cây để ngoài thay vì trong nhà: dù nhiều người cho rằng trồng cây trong nhà sẽ làm sạch không khí và thêm oxy trong nhà, nhưng cây cũng mang lại nhiều dị nguyên ảnh hưởng những người hay bị dị ứng, đặc biệt là những loại cây ra hoa.

 

5. Thường xuyên vệ sinh, thay tấm lọc trong máy điều hoà và máy lọc không khí. Trong những thiết bị này sẽ hay kẹt lại nhiều loại bụi và dị nguyên, nếu không tháo ra vệ sinh hoặc thay bỏ, thì sẽ tiếp tục bay từ thiết bị vào trong nhà.

 

6. Đầu tư vào máy lọc không khí: nếu bạn cảm thấy không kiểm soát được nguồn gốc ô nhiễm không khí (không bỏ được thú nuôi, không kiểm soát được chất lượng không khí ngoài trời, thời tiết…) thì nên đầu tư vào một máy lọc không khí tại nhà, nơi thường xuyên sinh hoạt và cả nơi làm việc. 

 

7. Sử dụng máy hút ẩm: nếu nhà có những khu vực đặc biệt ẩm như trong nhà tắm, trong góc nhà, khu bếp… hãy dùng một máy hút ẩm để giảm thiểu nấm mốc ở những nơi ẩm thấp, đồng thời thường xuyên cọ sạch những nơi xuất hiện nấm mốc trong nhà tắm, bồn rửa v.v..

 

8. Khi nấu ăn, hãy bật máy hút mùi: không chỉ gây khó chịu, mà khói mùi bốc lên từ nấu nướng cũng không tốt nếu chúng ta hít vào (đặc biệt mùi thức ăn cháy). Vì vậy hãy luôn bật máy hút mùi khi nấu ăn, đồng thời kết hợp sử dụng máy lọc không khí để ở gần khu vực bếp trong lúc nấu và sau khi nấu ăn.

 

9. Thường xuyên thông gió, mở cửa sổ: dù bạn sợ không khí ngoài bẩn, bạn vẫn nên mở cửa thông gió để không khí trong nhà được lưu thông, thêm oxy vào nhà và đẩy ra những bụi bẩn, nấm mốc, dị nguyên trong nhà.

 

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác