Share Ngày đăng: 14:46:13 - 19/04/2017 - Số lượt người xem: 3898
Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng rất cần cho sức khỏe với tiêu chí Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ở các nước phát triển, chính phủ và bộ y tế rất quan tâm tới việc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe người đang khỏe để giảm thiểu tối đa chi phí chữa bệnh đồng thời giảm gánh nặng về người ốm mất khả năng lao động cho xã hội. Chính vì vậy ở thị trường họ có nhiều siêu thị thực phẩm chức năng rất lớn và đa dạng sản phẩm cũng cũng đa dạng nhà sản xuất và đa dạng giá thành. Bản thân người sử dụng cũng rất nhiều và sản lượng dùng lớn nên có cả những hộp được đóng dưới dạng lớn dùng trong vài tháng hoặc cả năm cho những khách hàng trung thành để giảm chi phí bao bì đóng gói. Vài năm trở lại đây, khu vực các nước đang phát triển như Việt nam đã bắt đầu hình thành thị trường TPCN bởi nhu cầu bảo đảm sức khỏe và sự thông thái của người tiêu dùng ngày một tăng cao. Có lẽ cũng chính vì vậy TPCN đang trở thành món hàng béo bở cho những đối tượng chuyên làm giả sản phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hàng tự sản xuất kém chất lượng, hàng giả nhái mẫu mã của các hãng lớn, hàng xách tay không rõ nguồn gốc hoặc hàng không bảo đảm quá trình bảo quản…
- Bệnh thật từ thực phẩm chức năng giả-
Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng đang rất được ưa chuộng, với nhiều hình thức sử dụng như uống bổ sung theo đợt hay uống hàng ngày, liên tục không quy định thời gian. Việc dùng TPCN thực sự có thể mang lại những lợi ích giúp cải thiện sức khỏe, bởi lẽ chúng giúp bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các vi chất khác mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hằng ngày. Chính vì lý do đó nên TPCN đang trở thành món hàng béo bở cho những đối tượng chuyên làm giả sản phẩm. Hàng chục ngàn lọ TPCN giả bị phát hiện và tịch thu trong thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực sự của sản phẩm này đối với sức khỏe con người. Gần đây nhất, báo Dân Trí đưa tin, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, Phòng An ninh Kinh tế CA Tp Hà Nôi, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thu giữ hàng chục nghìn loại thực phẩm chức năng (TPCN) không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu cùng hàng nghìn kg vỏ hộp, tem nhãn mác và vỏ nhựa không nhãn mác tại tại trụ sở của một số công ty bán lẻ. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều nhà thuốc, quầy thuốc bán TPCN trên thị trường Hà nội, TP Hồ Chí Minh đang kinh doanh nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ và thu giữ số lượng lớn. Báo Đời sống & Pháp luật thông tin, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có thêm 1.000 sản phẩm thực phẩm chức năng mới được “đổ” ra thị trường, móc túi người tiêu dùng, thậm chí gây họa cho sức khỏe người bệnh. Sự “ra lò” quá nhanh của TPCN đã gây ra nhiều thách thức và nguy cơ lớn đối với người tiêu dùng.
Thực tế thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng được khoác trong tấm áo “sang chảnh”- nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Canada... khiến người tiêu dùng, đặc biệt là phái đẹp “sùng ái” một cách thái quá. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, có những mặt hàng gắn mác nhập ngoại lại được sản xuất thủ công ngay trong nước từ những nguyên liệu siêu rẻ, siêu độc. Với thị trường TPCN phát triển chóng mặt như hiện nay, việc kiểm soát chất lượng cũng như đánh giá hiệu quả chẳng khác nào khó hơn “lên trời”. Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, có nhiều sản phẩm TPCN được lưu hành trên thị trường nhưng chưa được đánh giá về chất lượng, độ an toàn và tính hiệu quả. Vị này cho rằng, các sản phẩm TPCN đang được sản xuất trong điều kiện không đạt vệ sinh, làm giả, làm nhái; không có quy trình sản xuất theo quy định của Bộ Y tế sẽ gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng. Dư luận từng phản ánh về việc một số loại TPCN được quảng cáo “tung trời” về khả năng “diệu kỳ”, từ làm đẹp cho đến chữa bệnh, trong đó có điều trị xương khớp, tiểu đường, tai biến, thần kinh, dạ dày và cả ung thư... Thế nhưng, tại Việt Nam chưa một cơ quan nào chứng minh được công dụng thực sự của những loại TPCN này. Bản thân lãnh đạo cục ATTP từng thừa nhận, các sản phẩm TPCN có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì phải cấp phép, còn việc quảng cáo “nổ” thì không kiểm soát được. Thực tế, hàng nghìn trang mạng rao bán TPCN với giá trên trời và quảng cáo TPCN như “thần dược”, nhưng việc xử lý vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến TPCN rởm “lọt lưới”.
Trao đổi với PV, TS. Lâm Quốc Hùng (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho rằng: “Chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong sản phẩm TPCN. Do đó khó lượng hoá được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm TPCN. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở xác định tính đúng đắn của thông tin trên nhãn sản phẩm như tác dụng, khuyến cáo, liều sử dụng, đối tượng sử dụng. Do đó nhà sản xuất có xu hướng cường điệu hóa tác dụng của sản phẩm; nhà quản lý thiếu cơ sở khoa học để xác định vấn đề quản lý”. Theo TS. Hùng, điều nguy hiểm, nhiều sản phẩm TPCN được đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là “thần dược” có thể chữa được bách bệnh. Ngoài ra, còn có khá nhiều quảng cáo không theo quy định của Bộ Y tế về công dụng của sản phẩm TPCN như: Quảng cáo TPCN chữa được bệnh tiểu đường, chữa trị tận gốc bệnh gút hoặc bệnh ung thư... Những quảng cáo này không chính xác, bởi TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, làm giảm nguy cơ gây bệnh chứ không có tác dụng chữa bệnh. Thông tin trên báo Công An Nhân Dân, theo các chuyên gia, tác hại của việc dùng phải hàng giả, hàng nhái vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là các loại thực phẩm như sữa, sâm, TPCN… mà người tiêu dùng uống vào cơ thể. Người bị nhẹ thì có thể không cảm thấy thuốc có hiệu quả tác dụng, người bị nặng sẽ cảm thấy bệnh không những nặng lên mà còn xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác như tiêu chảy, ngộ độc, nôn ói hoặc nặng nữa là trụy tim mạch, giảm huyết áp hoặc khó thở, dị ứng…
-Cách lựa chọn tìm mua thực phẩm chức năng-
Bổ sung cho cơ thể các loại TPCN là điều cần và rất cần thiết ở xã hội hiện đại, tuy nhiên việc đảm bảo sản phẩm bạn mua là hàng nhập khẩu chính ngạch hoặc sản xuất đúng tiêu chuẩn quy trình có sự kiểm duyệt và cấp phép của Bộ Y tế - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tối cần thiết. Trong quá trình kiểm định để cấp phép, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm xem xét rất nhiều yếu tố như:
Kiểm nghiệm chất có trong sản phẩm để so sánh cho phép công bố với người dùng.
Kiệm nghiệm và đánh giá công trình nghiên cứu trong ngoài nước với công dụng tính năng của sản phẩm để cho phép công bố đúng đủ chính xác các tính năng điều trị của sản phẩm tránh quảng cáo không đúng, quảng cáo sai sự thật.
Kiểm định định kỳ cho hang nhập khẩu và kiểm tra kiểm định định kỳ với kho tàng và hàng tồn kho 03 – 06 tháng 1 lần để đảm bảo mỗi lô hàng nhập khẩu nhà phân phối nhập hàng đúng với chất lượng đăng ký ban đầu cũng như việc bảo quản sản phẩm tại kho đúng tiêu chuẩn không làm giảm chất lượng hay biến đổi chất dẫn tới mất tác dụng của sản phẩm thậm chí gây hiệu quả không tốt cho sức khỏe người dùng.
Để biết sản phẩm bạn đang mua có được cấp phép không và có thực sự là hàng chính ngạch không, bạn cần đề nghị nhà phân phối cho xem giấy phép của cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm đó hoặc tự tra thông tin sản phẩm qua trang web chính thức của Cục.
-Hướng dẫn cách tra cứu sản phẩm trên Trang web của cục ATTP - bộ y tế Việt Nam-
1. Truy cập đường dẫn: https://congbosanpham.vfa.gov.vn/filesAction!toLookUpHomePage.do
2. Chọn khoảng thời gian tìm giấy phép được cấp từ năm 2015.
3. Ấn vào tìm tên sản phẩm: đánh chữ Keo ong hoặc tên sản phẩm có ghi trên nhãn phụ.
4. Kết quả sẽ ra tên công ty đăng ký, thời gian đăng ký, số giấy phép, tên nhà xuất khẩu, công ty sản xuất.
Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh và tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng không rõ nguồn gốc không có kiểm định không đảm bảo chất… thậm chí kể cả hàng của hãng nhưng nhập về không biết bảo quản cũng có thể trở nên biến chất và trở thành nguy hại.