DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

TS.BS Phan Bích Nga: Chăm con không đúng, nhiều trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D

Share Ngày đăng: 07:12:20 - 21/03/2019 - Số lượt người xem: 1771

 

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, có nhiều bậc cha mẹ, trong quá trình chăm sóc con, giữ trẻ trong nhà, không cho trẻ ra ngoài sợ trẻ mắc bệnh, điều này khiến bé dễ bị thiếu vitamin D. Từ đó dẫn tới những hậu quả như trẻ quấy khóc, vật vã, ngủ không yên, rụng tóc hình vành khăn, nặng sẽ dẫn tới trẻ chậm lớn, còi xương, ảnh hưởng tới thẩm mỹ như chán gồ lên, chân vòng kiềng….

Giữ con trong nhà khiến trẻ thiếu vitamin D

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo thống kê hàng năm tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em đến khám tại viện bị còi xương rất cao, lên tới 40%.   Trẻ thường được đưa đến viện khi đã có các triệu chứng như quấy khóc, vật vã, ngủ không yên. “Các cháu bị còi xương kéo dài làm bé bị biến dạng xương ảnh hưởng tới thẩm mỹ như bướu trán, lồng ngực gồ lên (lồng ngực hình ức gà hoặc hình nút chai), chân vòng kiềng (chữ O, chữ X), thậm chí chậm biết đi…”, TS Nga nói.

Nhiều trẻ đi khám do gia đình phát hiện bé bị bẹp đầu (đầu cá trê), lâu liền thóp…., cha mẹ cho rằng đó là thói quen cho bé nằm nhiều. Khi đến với Viện dinh dưỡng, các bác sĩ phát hiện bé bị còi xương từ ngay trong bào thai. Nguyên nhân là  do người mẹ trong quá trình mang thai vì nhiều lý do, không ra ngoài nắng hoặc không bổ sung vitamin D đầy đủ, làm cho trẻ bị thiếu vitamin D ngay từ trong bụng mẹ. Từ đó dẫn tới trẻ bị còi xương từ trong bào thai dẫn đến hậu quả bé sinh ra bị còi xương sớm.

 

Theo TS Nga, trẻ nhỏ bị thiếu vitamin D, dẫn tới rối loạn khoáng hóa xương, gây tăng mất canxi của xương, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ. Trẻ thiếu vitamin D kéo dài, làm bé chậm phát triển chiều cao, hệ miễn dịch kém, dễ mắc bệnh, trẻ lớn lên có thể gặp vấn đề nhũn xương, hoặc loãng xương sớm.

 

Tại sao Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều nắng, nhưng tỷ lệ trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D vẫn cao? Đây là một vấn đề  mà nhiều bậc cha mẹ mắc phải trong quá trình chăm sóc trẻ. Các bậc phụ huynh cho rằng trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh cần được bảo vệ, chăm sóc kỹ lưỡng nên thường giữ con trong nhà. Tâm lý lo lắng, sợ trẻ ốm khiến cha mẹ không cho trẻ ra ngoài chơi, kể cả khi bé  đã lớn. TS Phan Bích Nga lý giải, mặc dù vitamin D có trong thực phẩm nhưng với hàm lượng rất thấp, nếu cha mẹ chỉ lấy vitamin D từ thực phẩm sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D của cơ thể trẻ. Nên cần cho trẻ ra ngoài chơi để bổ sung vitamin D.

 

Theo TS Nga, vitamin D có vai trò quan trọng trong  phát triển chiều cao của trẻ nhất. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết, vitamin D có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống bệnh tật, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư.  Theo nhiều nghiên cứu, nếu bổ sung vitamin D với liều dự phòng thời gian dài trong những năm đầu đời của trẻ, đến khi trưởng thành sẽ giảm nguy cơ mắc một số bệnh.

 

Vitamin D bao gồm vitamin D2 và D3, trong đó vitamin D2 có nguồn gốc từ thực vật, vitamin D3 có nguồn gốc từ động vật. Nói chung, vitamin D2 và D3 có tác dụng tương tự như nhau, tuy nhiên khi cần  dùng liều cao thì nên sử dụng vitamin D3 do thời gian bán thải dài hơn, mang lại hiệu quả dài ngày.

Cách đúng bổ sung vitamin D cho trẻ

Vitamin D có nhiều nguồn, từ thực phẩm, thuốc hoặc từ ánh nắng mặt trời. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất hay thiếu vitamin D. Tắm nắng là cách rất hiệu quả để tổng hợp vitamin D cho cơ thể. TS Nga cho rằng, trong ánh nắng mặt trời có nhiều tia alpha, beta, gamma, trong đó chỉ có tia beta giúp chuyển hóa thành vitamin D cho cơ thể. Ở Việt Nam, do khí hậu nắng nhiều, cường độ mạnh, chỉ nên phơi nắng trong khoảng thời gian từ 6-7 giờ sáng (kéo dài từ 15-20 phút) nếu nắng không mạnh, thời gian phơi nắng có thể kéo dài hơn. Tùy thời tiết, cường độ nắng, người dân cho trẻ phơi nắng thích hợp, tránh để ảnh hưởng tới sức khỏe và làn da của bé. Một lưu ý nữa là khi phơi nắng, không để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt trẻ, cần có độ hở tối thiểu 30% diện tích da, nếu mặc cho bé quá kín thì phơi nắng không có tác dụng nhiều.

 

Theo khuyến nghị gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên cho trẻ dưới 1 tuổi phơi nắng bởi trẻ dưới 1 tuổi da còn non yếu, nếu cho trẻ phơi trực tiếp dưới ánh nắng trẻ sẽ có nguy cơ mắc những bệnh lý về da sau này, thậm chí là ung thư da.

 

Với trẻ dưới 1 tuổi, WHO khuyến nghị dùng liều dự phòng bổ sung vitamin D cho trẻ là an toàn nhất. Cụ thể là nên bổ sung vitamin D 400 IU vitamin D/ ngày  với trẻ dưới 1 tuổi, từ 1 tuổi trở lên có thể bổ sung 600 IU vitamin D/ ngày.

 

TS Nga cho rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, nhưng nếu người mẹ không được bổ sung vitamin D  từ nhiều nguồn khác nhau, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vẫn có nguy cơ thiếu vitamin D. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ còi xương ở trẻ Việt Nam vẫn cao. Khi cho trẻ bú, người mẹ cũng phải bổ sung vitamin D hàng ngày.

 

Bên cạnh việc dùng bổ sung vitamin D, còn có thể lấy vitamin D từ thực phẩm, một số loại thực phẩm rất giàu vitamin D như dầu gan cá, sữa, trứng, một số loại nấm, cá hộp ngâm dầu, ví dụ như trong 100ml sữa có 30-50 IU, 100 g cá chích ngâm dầu có 1.600 IU. … Với trẻ bắt đầu ăn dặm, hoặc lớn, không kiêng khem quá, cần cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Tuy nhiên khi bổ sung vitamin D cho trẻ bằng thực phẩm cần lưu ý, vitamin D có đặc điểm tan trong chất béo, trong dầu mỡ nên bao giờ cũng bổ sung trong chế độ ăn đầy đủ dầu mỡ mới đảm bảo sự hấp thu, TS Nga khuyên.

 

Theo Sức Khỏe Đời Sống

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác