DAVIDHEALTH VIETNAM - DAVID HEALTH VIETNAM

Kỳ diệu trái thông trong não

Share Ngày đăng: 09:16:07 - 18/04/2019 - Số lượt người xem: 1641

Tuyến tùng quả (pineal gland) có tên vì giống trái thông (pine cone), gọi gọn là tuyến tùng. bộ phận này ẩn nơi sâu kín của bộ óc, núp dưới cuống nối hai bán cầu não, nhỏ như hột đậu. chiều xuống tuyến tùng bắt đầu nhả hoóc-môn mêlatônin, đưa chúng ta vào giấc ngủ.

 

Hành tung ảo diệu

René Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, xem tuyến tùng là nơi ẩn trú của linh hồn. Cuối thế kỷ 18, bà Blavatsky người sáng lập Thông thiên học cho đó là con mắt của thần Shiva trong huyền thoại Ấn Độ giáo. Khoa học làm tan dần bao điều thần bí.

Ban ngày ẩn sĩ ngồi thiền: ánh sáng vào mắt biến thành luồng tín hiệu qua thần kinh thị giữa hai mắt, được vùng dưới đồi tiếp nhận và bàn giao tín hiệu ức chế tuyến tùng sản xuất mêlatônin. Ban ngày im ắng như ẩn sĩ ngồi thiền.

Tráng sĩ múa kiếm trong đêm: chiều xuống tuyến tùng bắt đầu nhả mêlatônin, chuyển dự trữ sêrôtônin của mình thành mêlatônin. Lượng hoóc-môn lên tới đỉnh suốt trong đêm, tụt xuống vào lúc gần sáng. Thật ảo diệu, ẩn sĩ trở thành tráng sĩ múa kiếm trong bóng đêm.

Đồng hồ sinh học: tuyến tùng hoạt động như một cái đồng hồ trong cơ thể con người để nhận biết mọi thay đổi lượng ánh sáng mặt trời từ ngày đến đêm hoặc giữa các mùa khác nhau. Đồng hồ báo đêm đến thì mêlatônin được nhả ra.

 

Tuyến tùng khỏe: cơ thể nhạy với các tần suất của ánh sáng, con người năng động tinh tế trong cuộc sống. Trái thông rối rắm, giấc ngủ xáo trộn, hệ sinh dục có vấn đề, cơ thể sớm lão hóa, trầm cảm và nguy cơ ung thư tăng. Trong đời người, mêlatônin giảm dần sau tuổi ba mươi; có rất ít hoặc không có ở một số người lớn tuổi.

 

Gây rối tuyến tùng: ai ngờ ô nhiễm ánh sáng là sự rực sáng bầu trời đô thị về đêm do ánh đèn đường phố, trung tâm mua sắm, nhà hàng quán rượu... Các tế bào võng mạc rất nhạy với ánh sáng xanh/ tím. Ô nhiễm ánh sáng, kéo theo tác hại trên sự chuyển hóa, chức năng miễn dịch, quân bình nội tiết và tăng nguy cơ ung thư.

 

 

Hoóc-môn của giấc ngủ

Tuyến tùng mang đầy những sợi thần kinh giao cảm, có mạng lưới máu lưu thông dày đặc, có nhiệm vụ tiết ra hormon mêlatônin. Được khám phá năm 1958, hoóc-môn này là một chất dẫn truyền thần kinh mêlatônin, dẫn xuất từ các axít amin tryptophan và sêrôtônin, được sản xuất ở người, các loài có vú khác, ở chim, bò sát và ếch nhái.

 

Điều hòa giấc ngủ: lượng hoóc-môn này bắt đầu vọt lên vào khoảng xế chiều, lên tới đỉnh suốt trong đêm rồi tụt xuống vào lúc gần sáng. Vào mùa hè và mùa đông, ngày dài hơn hoặc ngắn hơn thì việc chế tạo mêlatônin bắt đầu muộn hơn hoặc sớm hơn.

 

Kháng oxít hóa mạnh: mêlatônin xuyên thấm dễ dàng qua màng tế bào và rào cản máu/não. Kháng oxít hóa mạnh (hơn các vitamin C, E và A), còn kích hoạt các chất kháng oxít hóa khác nên mêlatônin có vai trò bảo vệ các phân tử DNA của nhân tế bào và ti thể, nhờ đó giúp bảo dưỡng sức khỏe chúng ta.

 

Bổ sung mêlatônin: mêlatônin tổng hợp được dùng rộng rãi hơn 15 năm qua, để điều trị chứng mất ngủ, chứng lệch giờ khi đi máy bay, nhức đầu mạn tính, điều chỉnh giấc ngủ người làm ca đêm. Người khiếm thị khó có thể dùng tín hiệu từ ánh sáng để điều hòa đồng hồ sinh học, bổ sung mêlatônin mỗi 24 giờ (1 - 10mg/ngày) giúp gỡ rối ngủ - thức cho họ. Ở Mỹ được dùng mêlatônin không cần toa bác sĩ. Nhiều nước cấm bán mêlatônin nếu không có toa thuốc.

 

Thiếu ngủ, đời người ngắn lại

 

Càng ít ngủ càng mập ra: hoóc-môn leptin do tế bào mỡ tiết ra báo cho não lệnh ngưng ăn. Hoóc-môn ghrelin do bao tử và ruột non làm ra, báo não cho lệnh ăn. Người chỉ ngủ vài giờ trong ngày, lượng leptin giảm bớt, ghretin tăng thêm, cơ thể đòi ăn thêm. Ngủ ít, đói nhiều. Ngủ ít thì thức nhiều, thêm giờ để ăn.

 

Thiếu ngủ não teo: ngủ bết thì não bết. Thiếu ngủ lâu dài não càng tệ hơn. Mất ngủ kinh niên làm nhót sự đậm đặc chất xám ở những vùng não trách nhiệm khả năng quyết đoán và nghỉ ngơi: mất ngủ xộp não.

 

Đời người ngắn lại: tin tức tháng 5/2010: nghiên cứu của Anh (đại học Warwick) và Ý (đại học Federico II, Naples) cho biết những người ngủ ít hơn 6 giờ/ngày thì có nguy cơ 12% chết sớm trước 65 tuổi so với ngủ 6 - 8 giờ/ngày. David Summers thuộc nhóm nghiên cứu nhận định: “Văn hóa phương Tây đã sai lầm khi kéo dài ngày ra, coi nhẹ giấc ngủ ngon và biểu dương những ai lo làm việc mà chỉ ngủ năm hoặc sáu giờ mỗi ngày như là các anh hùng”. “Những người này sẽ đối diện nếu không là cái chết sớm thì cũng là một đời bệnh tật (huyết áp cao, đái tháo đường, ung thư) và lão hóa sớm”. Người lớn nên giữ giấc ngủ trung bình 7 giờ, ít nhất là 6 giờ mỗi ngày. Ngủ hơn 9 giờ/ngày thì cũng có hại, có 30% nguy cơ chết sớm.

< Quay lại Kế tiếp >
Các bài khác